Doanh nghiệp đua dẫn đầu “bảo hiểm bệnh hiểm nghèo“

(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang đua nhau trình làng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chuyên biệt về bệnh hiểm nghèo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Nhu cầu sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo ngày càng lớn trước xu hướng bệnh tật ngày càng gia tăng trong xã hội Nhu cầu sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo ngày càng lớn trước xu hướng bệnh tật ngày càng gia tăng trong xã hội

Generali Việt Nam vừa đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về bệnh hiểm nghèo mới: VITA - Bảo An toàn diện. Theo giới thiệu của hãng bảo hiểm này, sản phẩm bảo vệ tới 99 bệnh hiểm nghèo, dẫn đầu thị trường về số bệnh hiểm nghèo được bảo vệ.

Cách đó không lâu, Bảo Việt Nhân thọ “trình làng” sản phẩm chính đầu tiên về bệnh hiểm nghèo mang tên An Bình Thịnh Vượng.

Là công ty bảo hiểm nhân thọ sớm ra sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt bệnh hiểm nghèo, vào đầu tháng 12/2016, Prudential Việt Nam tiếp tục ra mắt sản phẩm “PRU - Cuộc sống bình an”. Sản phẩm chi trả lên tới 200% số tiền bảo hiểm cho 72 bệnh, gồm ung thư và bệnh hiểm nghèo khác. Trước đó, tháng 6/2016, Dai-ichi Life Việt Nam ra mắt sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cao cấp toàn diện, dành cho 88 bệnh hiểm nghèo thường gặp (trong đó có 35 bệnh hiểm nghèo thể nhẹ và 53 bệnh hiểm nghèo nghiêm trọng).

Các doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhỏ khác cũng đưa ra thị trường các sản phẩm chuyên biệt về bệnh hiểm nghèo với các ưu điểm vượt trội so với bảo hiểm sức khoẻ truyền thống (bảo hiểm y tế, bảo hiểm phi nhân thọ), cũng như các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác trên thị trường.

Trước kia, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu ra các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để phòng ngừa rủi ro bệnh tật hay tai nạn, trong đó có lồng ghép quyền lợi bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2015, do thực tế bệnh hiểm nghèo tăng cao cộng với nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thiết kế sản phẩm chuyên biệt dành cho bệnh hiểm nghèo. Theo thời gian, các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt này càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng với số bệnh hiểm nghèo được bảo hiểm nhiều hơn, số ngày điều trị/nằm viện được chi trả nhiều hơn, hội tụ cả hai loại quyền lợi chi trả là điều trị và nằm viện… Nếu như trước đây, có sản phẩm chỉ bảo vệ cho bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn đầu thì đến thời điểm này, thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm cho mọi giai đoạn bệnh: giai đoạn đầu lẫn giai đoạn cuối.

Với VITA của Generali, dù khách hàng nhận tiền đáo hạn hợp đồng vào năm 75 tuổi, nhưng vẫn tiếp tục được bảo hiểm quyền lợi tử vong 100% số tiền bảo hiểm đến năm 99 tuổi.

Trong khi đó, sản phẩm An Bình Thịnh Vượng của Bảo Việt Nhân thọ có quyền lợi về điều trị và nằm viện với tổng số ngày được chi trả lên đến 1.000 ngày…

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chuyên biệt này được các doanh nghiệp coi là mũi nhọn trong thời gian tới. Bảo Việt Nhân thọ cho biết, An Bình Thịnh Vượng được xác định là sản phẩm chủ lực trong thời gian tới do đây vừa là sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ toàn diện, vừa giải quyết cơ bản các vấn đề của gia đình trong trường hợp có người mắc bệnh hiểm nghèo.

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau tung ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về bệnh hiểm nghèo với nhiều quyền lợi hấp dẫn, trong khi bệnh tật ngày một nhiều, chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, người tham gia bảo hiểm lại không phải kiểm tra sức khỏe trước khi mua bảo hiểm (mà tự kê khai), đã xuất hiện những lo ngại doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị thua lỗ ở mảng nghiệp vụ này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, do đặc thù của bảo hiểm là số đông bù số ít, sản phẩm này bán được nhiều nên không lo lỗ. Chưa kể, mức phí, quyền lợi bảo hiểm cũng được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên thực tế thống kê từ trước đó. Ngoài ra, bên bảo hiểm cũng đã có biện pháp kiểm soát trục lợi bằng cách chỉ chi trả bảo hiểm với trường hợp kê khai trung thực, quy định về thời gian chờ…

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục