Cảnh báo nhiều hệ lụy từ việc cầm đồ sổ bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Sáng 6/2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về tình trạng người lao động đem cầm cố sổ bảo hiểm xã hội tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng...
Cảnh báo nhiều hệ lụy từ việc cầm đồ sổ bảo hiểm xã hội

Sổ bảo hiểm xã hội không có giá trị cầm cố

Trong năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động cất giữ quản lý sử dụng và từ đó đã nảy sinh nhiều việc như tình trạng người lao động cầm cố, ký gửi sổ, thậm chí “bán lúa non”...

Thời gian gần đây, tại Bảo hiểm xã hội một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP.HCM, Đăk Nông… đã xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới.

Vì vậy, việc cầm số sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có người tham gia bảo hiểm xã hội.

Thông tin về cơ sở pháp lý xung quanh vấn đề này, ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban sổ thẻ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và không quy định cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị hỏng, mất.

Ông Chu Minh Tộ dẫn chiếu các quy định tại Khoản 3, Điều 19, Luật Bảo hiểm xã hội cho biết, nNgười lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Khoản 1, Điều 96, Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

Cũng theo quy định, cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ, không quy định cấp lại đối với trường hợp cầm cố sổ bảo hiểm xã hội.

Được biết, Điều 3, Quy định về mẫu sổ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất, trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét cấp lại.

Ông Tộ khẳng định, như vậy, sổ bảo hiểm xã hội không có giá trị cầm cố, ký gửi và sẽ không được cấp lại nếu cầm cố. Việc cầm cố hoàn toàn là tự phát, mang tinh chất dân sự giữa hai bên.

Nếu phát hiện sẽ bị phạt

Việc người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ và người cầm cố sổ. Nếu người lao động mang sổ đi cầm cố, sau đó đề nghị cấp lại sổ do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ theo quy định.

“Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này”, ông nhấn mạnh.

Người lao động mang sổ đi cầm cố, sau đó đề nghị cấp lại sổ với lý do bị mất, hỏng, nếu bị phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.

Đối với người nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội thì theo quy định về giải quyết việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng đảm bảo không giải quyết hưởng trùng. Chỉ giải quyết 1 lần không thể giải quyết trùng lần nữa. Đồng thời, chỉ có bản thân người tham gia hoặc thân nhân của họ mới được nhận chế độ. Do đó, người cầm cố không được hưởng quyền lợi.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục